VoIPVN - Giải pháp tổng đài IP, điện thoại IP, callcenter 1900 1800 VTN Viettel FPT CMC (Voip.com.vn)

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Ba bài học để trở nên giàu có

Ba bài học để trở nên giàu có

Cuộc nói chuyện có một không hai trong cuộc đời mình với một người thông thái mà mình rất ngưỡng mộ đã truyền cho mình một ngọn lửa mới – giúp mình sống hướng thiện và sống có ước mơ hơn. Mình biết rằng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nếu mình luôn cố gắng hết sức mình và đến với những người khác bằng tấm lòng chân thành thì cuộc sống sẽ mang đến cho mình những điều may mắn và những bất ngờ rất thú vị.

Hồi học ở Úc, có lần mình hỏi thầy giáo về những điều thầy thích nhất trong cuộc sống. Thầy Tim đã trả lời là : “I like meaningful conversations”( tôi thích những cuộc trò chuyện thú vị). Mình cũng thích những cuộc trò chuyện thú vị và sâu sắc. Mình thích lắng nghe những trải nghiệm của người khác để qua đó rút ra những bài học cho riêng mình...
Vào một buổi tối Chủ Nhật đầu tháng 3 mình đã có một cuộc trò chuyện sâu sắc và ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Chưa bao giờ mình trở nên ‘giàu có’ như thế sau một lần nói chuyện. Đến bây giờ nghĩ lại mình vẫn thấy khó tin vì ngay cả trong mơ mình cũng không bao giờ dám nghĩ một ngày nào đó mình được ngồi nói chuyện hàng giờ với một người mà mình rất ngưỡng mộ cả về tài năng, nghị lực và tâm huyết. Dù mình hoàn toàn chưa hiểu hết và cũng không thể nhớ hết chính xác (giá lúc đó mình có máy ghi âm thì tốt biết bao) những điều mà bác Cường muốn nhắn nhủ nhưng những bài học sâu sắc và những suy ngẫm mà mình rút ra được sau khi nói chuyện với một người Việt thông thái nhất mà mình từng biết đã làm mình ‘giàu có’ lên rất nhiều...
Về sự lạc quan
“….Để khi đưa ra một ly nước họ sẽ nói ‘ly nước mới đầy một nửa’ và nỗ lực tiếp tục làm đầy nó, chứ không phải nói một cách tiêu cực ‘ly nước vơi một nửa’…”
Mình đã được đọc về sự khác nhau trong cách nhìn nhận ly nước nửa đầy và nửa vơi khá lâu rồi và cũng đã đôi lần nhắn nhủ tới sinh viên thông điệp này nhưng nhờ bác Cường mà mình có thể hiểu sâu sắc hơn về điều này. Sự khác nhau trong cách nói ‘ly nước mới đầy một nửa’ và ‘ly nước vơi một nửa’ không chỉ ở thái độ lạc quan hay bi quan mà còn ở tinh thần dám chịu trách nhiệm và nỗ lực hành động đối ngược với thái độ thiếu trách nhiệm và buông xuôi.
Về sự kiên nhẫn
Bác kể về cái email nhận được từ một thanh niên mà bác phải đọc đến 2 lần qua đó bác cũng thấy được tuổi thơ của bác. Bác kể rằng hồi còn bé công việc bác ghét nhất là trồng cây khoai mì, đã nhiều lần mất kiên nhẫn đến độ không muốn làm tiếp nữa. Mẹ bác nói rằng nếu không muốn trồng cây thì đi hái rau. Nhưng hồi đó trên vùng đất Quảng Ngãi cằn cỗi và bị bom đạn giày xéo thì tìm ra đâu được rau mà hái! Vì thế mẹ bác đã dặn bác rằng “nếu con đủ kiên nhẫn thì hãy tưới nước cho cây mỗi ngày một lần, còn nếu không đủ kiên nhẫn thì hãy tưới hai lần 1 ngày’’. Đây là một bài học về lòng kiên nhẫn và sự cần thiết phải biến thời gian chờ đợi thành hành động.
Về sự tha thứ
Mình hỏi bác “Bác ơi sao cháu thấy tha thứ cho người khác thì dễ mà sao tha thứ cho mình thì khó quá”, bác Cường mỉm cười rồi nói : “Mình không cần phải tha thứ cho ai cả, cháu ạ. Nhưng mình cũng đừng nên kết tội ai cả”. Rồi bác kể rằng ngày trước cha bác dạy rằng, nếu mình hoặc ai đó làm một việc tốt cho mình thì hãy viết lên đá còn nếu làm một việc không tốt thì hãy viết lên cát. Những lời nhắn nhủ rất giản dị nhưng mà sâu sắc biết bao.
Trò chuyện với bác Cường mình cảm nhận được từ bác một niềm tự hào về văn hóa Việt Nam. Bác đã giải thích cặn kẽ về những câu đối mà bác rất tâm đắc trên cổng Văn Miếu mà bác đã sưu tầm được. Giống như bác đã trả lời trong một bài phỏng vấn trên báo điện tử Vietnamnet : “Tôi muốn nhắn nhủ đến các em, các cháu là hãy tự tin và đừng tự ti; tự hào nhưng đừng tự mãn! Tôi có sưu tầm được hai câu đối có niên kỷ từ năm 1847 tại Văn Miếu ở Huế mà mỗi lần nhắc đến, tôi vẫn cảm thấy sự rung động từ tim, óc và một sự tự hào mãnh liệt về dân tộc Việt của mình. Đó là “Giang sơn vạn cổ trường tồn,Thiên nhật nguyệt địa sơn hà, Mỹ võ Âu phong Nam hối tắt - Quỹ đạo thiên thu bất tuyệt, Quốc quân thần gia phụ tử, Hán hưng Tần diệt khởi năng ô”. Ông bà ta từ thời xa xưa còn thế, tôi muốn giới trẻ Việt Nam nêu cao tinh thần tự hào đó.”
Mình đã hoàn toàn bất ngờ khi biết rằng bác không chỉ là cha đẻ của ATM mà còn là người khai sinh ra các khóa học về Time management đã và đang được giảng dạy ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới và các công ty đa quốc gia. Một câu nói có vẻ như là được nói quá nhiều rồi nhưng không phải ai cũng làm được ‘Việc hôm nay chớ để ngày mai’. Bác nhắn nhủ những người trẻ như mình hãy biết quý trọng thời gian vì suy cho cùng nếu ta chia cuộc đời thành những đoạn 10- 20 năm, thì cả đời ta cũng chỉ có một số đoạn thôi để làm hết những điều quan trọng mà mình muốn.
Mình cũng đã nhớ rất rõ những câu nói của bác trong chương trình Người đương thời về bí quyết thành công: ‘Bí quyết để thành công là đừng đi tìm sự thành công! Hãy tiếp nhận cuộc sống một cách tự nhiên, hãy khen ngợi những cái tốt và hãy sửa sai những cái mình không vừa ý.’ Khi nói chuyện với bác mình hiểu thêm về giá trị của việc luôn nỗ lực hết sức mình. Mình cũng hiểu ra rằng đừng bao giờ mất công đi tìm cái tốt nhất mà hãy nên đi tìm cái tốt hơn.
Nãy giờ mình đã viết nhiều về những bài học mà mình có được từ những câu chuyện mà bác Cường đã kể. Nghe từ bài học thì nghe có vẻ to tát quá, và dễ tạo cho người đọc bài này một ấn tượng là người nói chuyện với mình có vẻ hơi giáo điều và thích khoe khoang. Nhưng sự thật lại là ngược lại – bác Cường là một trong những người thông thái khiêm tốn nhất mà mình đã từng biết. Mình nhớ như in câu nói của bác trong chương trình Người đương thời và coi đó như là phương châm sống của mình : “Đức tính quan trọng là khiêm tốn, và hãy đặt mình vào người khác để sống.”


Còn một điều nữa về cuộc nói chuyện tối Chủ Nhật mà mình không chỉ nghe được, đọc được, quan sát được mà còn cảm nhận được rõ nét đó là ‘sống trên đời cần có một tấm lòng’. Từ những câu chuyện về trông hàng giúp các bà cụ ở Little Saigon, tới việc xin tài trợ để mua dụng cụ y tế cho bệnh viện nhi, đến việc bác lắng nghe rất chăm chú và trả lời rất nhiệt tình những câu hỏi, những băn khoăn trăn trở đôi khi có vẻ hơi trẻ con của các cô cậu thanh niên bằng tuổi con tuổi cháu của bác…Mình cảm nhận được rằng đằng sau nụ cười rất hiền hậu của bác là một trái tim lớn – một trái tim luôn sống vì người khác.


Cuộc nói chuyện có một không hai trong cuộc đời mình với một người thông thái mà mình rất ngưỡng mộ đã truyền cho mình một ngọn lửa mới – giúp mình sống hướng thiện và sống có ước mơ hơn. Mình biết rằng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nếu mình luôn cố gắng hết sức mình và đến với những người khác bằng tấm lòng chân thành thì cuộc sống sẽ mang đến cho mình những điều may mắn và những bất ngờ rất thú vị.
Cám ơn chương trình Người đương thời đã giới thiệu một nhân vật rất thông thái - bác Đỗ Đức Cường - người đã cho mình nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống.
Chọn

Related Product :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Sản phẩm xem nhiều nhất

Contact Online